Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học

Facebook   Zalo

Ngày 22/7/2020, tại Đại học Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội thảo khoa học về giải pháp đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm đánh giá thực trạng, các khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục trong quá trình triển khai hoạt động khoa học và công nghệ và đề xuất giải pháp tháo gỡ các bất cập.

Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học


Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, TS. Phạm Quốc Chính - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên, đại diện Ban Tuyên giáo TW, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và sự tham gia của trên 200 nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Giám đốc ĐHTN; GS.TS Tạ Ngọc Đôn – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) và PGS.TS Bùi Văn Ga – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đồng chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe GS.TS Tạ Ngọc Đôn báo cáo khái quát hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH). Hiện nay, Việt Nam có 235 CSGDĐH, ngoài ra còn có 41 viện nghiên cứu khoa học có đào tạo tiến sĩ. Tổng số giảng viên tại CSGDĐH hiện có 74.991 người, 729 giáo sư, 4.538 phó giáo sư và 20.197 tiến sĩ. Nhân lực R&D của cả nước tập trung nhiều ở khu vực trường đại học, chiếm 51,2%. Trong đó, nhân lực từ tiến sĩ trở lên trong trường đại học chiếm 66,9% cả nước. Thực tế, các chính sách về khoa học - công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đi vào thực tiễn. Do đầu tư cho khoa học - công nghệ thấp, chưa tương xứng với tiềm lực của đội ngũ, cơ chế tài chính còn nhiều bất cập, nên sản phẩm nghiên cứu chủ yếu mang tính hàn lâm, tính ứng dụng thấp, sản phẩm được thương mại hóa còn ít, manh mún.

Lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, Sở Khoa học và Công nghệ và các nhà khoa học trao đổi bên lề Hội thảo.

Ba nhóm giải pháp chính nhằm phát triển khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đào tạo đã được các đại biểu tập trung thảo luận, đó là: Đổi mới cơ chế tài chính, đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Bổ sung, hoàn thiện chính sách về quản lý hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tăng cường năng lực nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Đôn đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp và trao đổi của các đại biểu trao đổi tại Hội thảo. Các ý kiến tại Hội thảo này sẽ là những căn cứ quan trọng giúp Ban soạn thảo, Ban Biên tập xây dựng Nghị định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học trước khi trình Chính phủ phê duyệt và ban hành./.

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0