Bộ Khoa học và Công nghệ sát cánh cùng khoa học và công nghệ địa phương

Facebook   Zalo

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ luôn luôn đồng hành, sát cánh cùng các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, đồng thời khai thác thế mạnh của từng địa phương trong hoạt động KH&CN nhằm thúc đẩy hoạt động này mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bộ Khoa học và Công nghệ sát cánh cùng khoa học và công nghệ địa phương

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã thể hiện quyết tâm của Bộ KH&CN tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN năm 2017 tổ chức ngày 15/4/2017. Đây cũng là một trong các cam kết của Tư lệnh ngành KH&CN nhằm đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN vào cuộc sống.

Toàn cảnh Hội nghị
 

Theo đó, tại Hội nghị Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 05- NQ/TW (Hội nghị Trung ương 4, Khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đã khẳng định “Tạo thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng KH&CN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài”.  Lần đầu tiên Quốc hội có Nghị quyết chuyên đề về kết quả giám sát việc thực thi cơ chế chính sách đầu tư cho phát triển KH&CN;...

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành KH&CN đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Uy tín của sản phẩm, sự vươn lên tầm toàn cầu của doanh nghiệp là nhờ vào KH&CN" và "đầu tư của doanh nghiệp là nòng cốt cho phát triển KH&CN". Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ rất sâu sắc và rõ ràng: KH&CN là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, và vì vậy doanh nghiệp phải là chủ thể chính đầu tư cho lĩnh vực này để có đủ năng lực cạnh tranh quốc tế và vươn ra thị trường toàn cầu.

Nỗ lực vượt bậc của ngành KH&CN

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng nhận định, mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng với nỗ lực vượt bậc của ngành KH&CN, thời gian qua, KH&CN Việt Nam đã có những bước tiến lớn, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế  - xã hội, bám sát, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất. Quan điểm đột phá là KH&CN phải thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Năm 2016, hoạt động KH&CN cả nước nói chung và hoạt động KH&CN địa phương nói riêng nhận được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo rất sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã tạo môi trường thuận lợi để ngành KH&CN phát triển.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị
 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận định, nhìn lại những kết quả hoạt động KH&CN cả nước trong thời gian qua đã có nhiều kết quả ấn tượng. Lĩnh vực nào cũng có bóng dáng của KH&CN. KH&CN đã góp phần rất quan trọng đưa một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đứng top đầu trên thế giới về xuất khẩu như cà phê, ca cao... Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng hoạt động KH&CN địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi một số Nghị định, Thông tư.

“Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN năm 2017 được tổ chức với mong muốn được lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Sở KH&CN về những thuận lợi, kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, khó khăn, qua đó đề xuất giải pháp phát triển KH&CN của địa phương năm 2017 và những năm tiếp theo”- Thứ trưởng chia sẻ.  

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị
 

Báo cáo tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN năm 2017, ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ  trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương cho biết, nhiều kết quả nổi bật, thể hiện trong các nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với các cam kết quốc tế và triển khai định hướng đổi mới trong lĩnh vực KH&CN, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Khoa học xã hội và nhân văn phục vụ hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; KH&CN đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; KH&CN ở địa phương; Phát triển tiềm lực KH&CN; Thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN; Phát triển thị trường KH&CN; Các hoạt động hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh; Hội nhập quốc tế về KH&CN;… 

Theo đó, hệ thống pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gắn kết, phục vụ trực tiếp việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, đổi mới công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường KH&CN. 

Bên cạnh đó, Khoa học xã hội và nhân văn đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, giúp các cơ quan chức năng hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng đất nước phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Năm 2015, 2016 các kết quả nghiên cứu đã phục vụ trực tiếp xây dựng Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới (1986-2016), soạn thảo các dự thảo văn kiện Đại hội XII và các Hội nghị Trung ương Đảng. 

Nhiều kiến nghị được đề xuất

Nắm bắt được những khó khăn vướng mắc của hoạt động KH&CN địa phương, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho KH&CN trong cả nước. Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN năm 2017 được tổ chức với mục đích nhìn nhận lại những kết quả, hạn chế của KH&CN trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo để đưa KH&CN đóng vai trò quan trọng, trọng yếu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường phát triển và hội nhập. 

Tại Hội nghị, nhiều đồng chí Giám đốc Sở KH&CN đã đánh giá cao  những nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc tạo hành lang pháp lý cho KH&CN phát triển. Các đại biểu cũng đã có những đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động KH&CN tại địa phương. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ KH&CN, tập trung vào các vấn đề: rà soát để sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15/10/2014; sớm ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ “Quy định chế độ tự chủ của tổ chức KH&CN công lập” để có căn cứ triển khai; bổ sung, chỉnh sửa Thông tư liên tịch số 121/2014/TTLT-BTC-BKH&CN. Nhiều ý kiến đại biểu cũng đề xuất Bộ KH&CN cần sớm có những điều chỉnh, sửa đổi về hoạt động Quỹ Phát triển KH&CN địa phương; vướng mắc trong cổ phần hóa các Trung tâm ứng dụng; Chương trình năng suất chất lượng…

Trong lĩnh vực đầu tư tăng cường tiềm lực, Hội nghị cũng đã nhận được một số ý kiến thảo luận, chủ yếu tập trung vào những nội dung: Xây dựng bộ tiêu chí và có hướng dẫn để phân bổ kinh phí đầu tư phát triển KH&CN, trong đó xác định cụ thể lĩnh vực KH&CN, đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí đầu tư phát triển KH&CN đúng và hiệu quả;... Hội nghị cũng nhận được nhiều kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng kết quả và chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, Quỹ Phát triển KH&CN địa phương,…

Đồng hành cùng các địa phương

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả hoạt động KH&CN trong cả nước thời gian qua. Rất nhiều công việc, địa phương đã thể hiện tính chủ động, đi đầu giải quyết. Bộ trưởng cho rằng, với trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về hoạt động KH&CN, các lãnh đạo Sở KH&CN ở địa phương đã vượt qua khó khăn, thể hiện vai trò tham mưu của mình. Rất nhiều nghị quyết, chương trình của tỉnh đã có bóng dáng tham mưu của Sở KH&CN. Bên cạnh những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ nhưng hoạt động KH&CN đã nhận được sự quan tâm lớn của các cấp lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH&CN phát triển. “Thành công của hoạt động KH&CN từ địa phương cũng là của Bộ, của ngành KH&CN, và ngược lại, khó khăn của các đồng chí cũng là điều trăn trở của Bộ và cá nhân tôi”- Bộ trưởng chia sẻ.

Về những kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình để trình Chính phủ xem xét sửa đổi các Luật có liên quan đến KH&CN do Bộ chủ trì. Bên cạnh đó, chú trọng việc tham gia đóng góp ý kiến đối với các Luật khác có nội dung tác động đến hoạt động KH&CN để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống Luật. Chủ động trình Chính phủ xem xét, sửa đổi các văn bản luật liên quan đến KH&CN đang còn bất cập.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH&CN địa phương trong thời gian tới, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, nhất là trong phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng các nhiệm vụ KH&CN liên kết giữa các địa phương để cùng phát triển các sản phẩm có thế mạnh, chủ lực của Vùng theo chuỗi giá trị.

 Ưu tiên những nhiệm vụ có tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên ngành; sát cánh hơn cùng với doanh nghiệp tạo lập liên kết 4 nhà “nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông”. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai.

Nâng cao năng lực đánh giá, định giá tài sản trí tuệ và góp vốn doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ; Tăng cường quản lý nhà nước, tập trung xây dựng và tổ chức triển khai chương trình, đề án trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; Tăng cường công tác xã hội hóa cho hoạt động nghiên cứu.

Chú trọng đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm dịch vụ hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Bộ KH&CN sẽ luôn luôn đồng hành, sát cánh cùng các địa phương để  tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, đồng thời khai thác thế mạnh của từng địa phương trong hoạt động KH&CN nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0