Luật KHCN sửa đổi: Năm điểm đột phá

Facebook   Zalo

Luật KHCN sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ năm 2014 với khá nhiều thay đổi1, trong đó có một số thay đổi mang tính đột phá so với luật hiện hành và được nhiều người kỳ vọng tạo bước phát triển mới cho KHCN của Việt Nam. Vậy thực chất các thay đổi đó như thế nào qua phân tích năm vấn đề quan trọng lần đầu tiên được luật hóa.

Luật KHCN sửa đổi: Năm điểm đột phá

1. Phương thức đầu tư cho KH&CN

Ngoài đầu tư của nhà nước tối thiểu bằng 2% tổng chi ngân sách (Điều 49), bắt buộc các doanh nghiệp phải dành một phần lợi nhuận trước thuế của họ đề đầu tư lại cho nghiên cứu R&D thông qua việc thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp (Điều 55, 56). Nên biết rằng ở các nước phát triển, phần lớn tiền đầu tư cho nghiên cứu KHCN đến từ các doanh nghiệp, nhà nước chỉ chiếm khoảng 25-30% để chi cho các nghiên cứu cơ bản và các đề án nghiên cứu ứng dụng có tầm quan trọng chiến lược. Việc các doanh nghiệp dành kinh phí cho các nghiên cứu R&D bằng hình thức tự tổ chức triển khai nghiên cứu và/hoặc đặt hàng cho Phòng thí nghiệm của các Viện/trường đại học triển khai nghiên cứu không chỉ được quy định thành luật mà còn là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp trong việc đổi mới sáng tạo để cạnh tranh ở quy mô quốc gia và quốc tế. Còn ở ta, do năng lực các doanh nghiệp còn nhỏ, nhu cầu đổi mới sáng tạo để tồn tại và phát triển chưa cao nên không mấy doanh nghiệp tự ý thức được việc này. Nay dù muốn hay không doanh nghiệp cũng phải trích một phần lợi nhuận để tái đầu tư cho các nghiên cứu R&D nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm (Điều 55, 56, 63).

2. Quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho nghiên cứu KHCN

Được đổi mới về căn bản thông qua Quỹ Phát triển KH và CN quốc gia và các Quỹ Phát triển KH và CN của các Bộ, ngành, cũng như ở các tỉnh (Điều 59, 60, 61). Mô hình Quỹ Phát triển KH và CN, thực chất là mô hình quản lý và sử dụng ngân sách tiên tiến, được hầu hết các nước áp dụng. Mô hình Quỹ cho phép quản lý và sử dụng kinh phí theo phương thức khoán đến sản phẩm cuối cùng mà bỏ qua lối quản lý hành chính, thanh quyết toán theo năm kế hoạch, vừa phức tạp, nhiêu khê, chiếm quá nhiều thời gian công sức của nhà khoa học và cả nhà quản lý. Phương thức quản lý Quỹ và khoán chi đến sản phẩm cuối cùng (Điều 52), thậm chí có thể sử dụng ngân sách để mua sản phẩm KHCN của nhà khoa học. Những quy định mang tính đột phá này không chỉ nâng cao trách nhiệm của nhà khoa học chân chính mà còn khắc phục được nhiều kẽ hở cho những ai đội lốt nghiên cứu khoa học để trục lợi.

3. Tổ chức KHCN

Mọi tổ chức cá nhân đều có quyền đề xuất ý tưởng nghiên cứu dưới dạng các đề tài, dự án, trên cơ sở đó Tổ chức KHCN sẽ tập hợp, sàng lọc và đặt hàng cho nhà khoa học (Điều 26). Mô hình đặt hàng đối với nhà khoa học, được coi là phương thức tối ưu nhằm gắn mục tiêu của nghiên cứu KHCN với những vấn đề thực tiễn, tránh được tình trạng kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu nằm lưu trong tủ mà không đến với thực tiễn. Khi được đặt hàng, dương nhiên, với các điều kiện ràng buộc, nhà khoa học phải có trách nhiệm hoàn thành mục tiêu, sản phẩm nghiên cứu và bàn giao kết quả cho Tổ chức KHCN đã đặt hàng.

4. Vị trí, chức năng tổng tư lệnh ngành KHCN


Luật KHCN sửa đổi lần đầu tiên quy định Bộ KH&CN với các quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng  trong việc toàn quyền hoạch định từ các kế hoạch 5 năm, đề xuất nguồn kinh phí thực thi nhiệm vụ KHCN, đến việc quản lý, giám sát sử dụng kinh phí có hiệu quả trên phạm vi toàn quốc. Các Bộ ngành khác chỉ đóng vai trò tham gia, phối thuộc những vấn đề thuộc phạm vi Bộ, ngành mình.

5. Chính sách sử dụng và đãi ngộ cho cán bộ KH&CN

Là một trong những điểm khá đột phá. Luật sửa đổi đã cụ thể hóa hàng loạt chính sách đãi ngộ về lương, phụ cấp trách nhiệm, đi dự các Hội nghị quốc tế, v.v. đối với nhà khoa học đầu ngành, trình độ cao, nhà khoa học đang chủ trì các đề tài, đề án quốc gia (Điều 23). Đặc biệt, quy định tạo điều kiện cho nhà khoa học đẳng cấp được đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để tổ chức nghiên cứu, thực hiện ý tưởng đặt ra.  Luật sửa đổi cũng khuyến khích nhà khoa học trẻ có tài được thăng tiến trong việc đề bạt, bỏ qua rào cản lâu nay là “sống lâu lên lão làng”, nay nhà khoa học trẻ, có trình độ và thành tích xứng đáng có thể được bổ nhiệm lên vị trí cao mà không cần đủ thâm niên như trước đây. Nhà khoa học được ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân từ các khoản thu nhập từ hoạt động KHCN. Luật cũng cụ thể hóa nhiều chế độ đãi ngộ đối với nhà khoa học là Việt kiều, chuyên gia quốc tế tham gia trong các chương trình đề án nghiên cứu với Việt Nam (Điều 24).

Và những hạn chế


Bên cạnh những điểm mới đột phá như trên, Luật KHCN sửa đổi vẫn còn một số vấn đề chưa được đề cập hoặc chưa quan tâm đúng mức, trong đó hai yếu tố quan trọng nhất để có được một KHCN phát triển chính là yếu tố con người nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ (scientific researcher/engineering researcher) và tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (Scientific research / research development systems) hầu như chưa được luật hóa.

Nghiên cứu KHCN là loại hình lao động đặc thù của trí óc, chỉ dành cho những ai say mê sáng tạo, được đào tạo bài bản và có bằng cấp thích hợp mới có khả năng tạo ra sản phẩm trí tuệ đích thực. Vì không có tiêu chí rõ ràng đánh giá “nhà khoa học” hay “người nghiên cứu” mà hiện nay có đến 70% “cán bộ nghiên cứu KHCN” đang ngồi nhầm chỗ, và phần lớn những người này còn trở thành vật cản vô hình trong các tổ chức nghiên cứu KHCN. Một khi không có tiêu chí ràng về công chức KHCN thì việc xác định nhà KHCN hàng đầu, chuyên gia cấp cao, v.v… để tôn vinh và đãi ngộ như quy định tại các điều 22, 23, 24, 77, 78. cũng trở nên vô nghĩa hoặc tôn vinh, đãi ngộ “nhầm đối tượng”, không chỉ gây lãng phí nguồn tài chính quốc gia và còn gây sự phản cảm trong cộng đồng khoa học.

Muốn có một nền KHCN thật sự phát triển thì trước hết phải có, nói đúng hơn phải đào tạo cho được đội ngũ người nghiên cứu KHCN chuẩn mực và tinh thông. Đó là những người biết chấp nhận mạo hiểm, thích tìm tòi và dám “xả thân” cho KHCN. Do vậy cần thay đổi tận gốc rễ nền giáo dục đào tạo để tạo ra những lớp người biết hoài nghi để sáng tạo ra cái mới; đồng thời phải kiến tạo môi trường nghiên cứu tốt với một hệ thống tổ chức nghiên cứu KHCN tối ưu và đồng bộ để hỗ trợ nhau cùng phát triển chứ không ngáng chân, kìm nhau trong quá trình hoạt động như tình trạng hiện nay. Tiếc thay cả hai vấn đề cốt lõi này chưa được luật hóa đầy đủ hoặc chưa coi trọng đúng mức trong Luật KHCN sửa đổi lần này.

Một bất cập khác là tiêu chí xét duyệt đầu vào của đề tài và tiêu chí đánh giá nghiệm thu đề tài hầu như chưa được đề cập rõ ràng. Một khi chưa có tiêu chí rõ ràng thì việc đánh giá, xét duyệt vẫn dựa theo cảm tính của người thẩm định và đó sẽ là cơ hội để nhiều đề xuất kém chất lượng, không có tính khả thi lọt lưới.

***

Mặc dù còn một số vấn đề chưa kịp thay đổi hoặc không thể đổi thay một sớm một chiều, nhưng Luật KHCN sửa đổi với một số quy định có tính đột phá sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý trong quản lý KHCN theo thông lệ quốc tế, góp phần đưa nghiên cứu khoa học vào thực chất hơn, rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và thực tiễn đất nước.

---

* Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

(1) So với luật KHCN  2000 (với 8 Chương, 59 điều), Luật KHCN sửa đổi 2013 (gồm 81 điều, được chia thành 11 chương), bỏ 17/59 điều, sửa đổi 42/59 điều, đồng thời bổ sung 39 điều mới).

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0