Tọa đàm trực tuyến: Cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ

Facebook   Zalo

Cải cách hành chính là một yếu tố hết sức quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, thông qua Cải cách hành chính nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Mục tiêu mà Cải cách hành chính hướng tới là xây dựng bộ máy hành chính gọn nhẹ hơn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hướng tới phục vụ tốt hơn các nhu cầu và lợi ích chính đáng của công dân và cả xã hội.

Tọa đàm trực tuyến: Cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ

Để cùng tìm hiểu về nội dung này, Ban biên tập Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ”, với sự tham gia của 02 vị khách mời:

Xin trân trọng giới thiệu: Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Ông Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TPTN.


MC Kim Oanh: Xin chân thành cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình tọa đàm. Câu hỏi đầu tiên xin gửi đến TS. Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Theo kết quả công bố chỉ số CCHC đối với sở, ban, ngành năm vừa qua, Sở KH&CN xếp ở vị trí thứ nhất, đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Sở đứng đầu về chỉ số này. Vậy ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị mình?

Ông Phạm Quốc Chính: Cải cách hành chính luôn là một vấn đề lớn được quan tâm hàng đầu của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, được xem là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý Nhà nước nhằm xây dựng bộ máy hành chính ở địa phương có đủ năng lực, hiệu lực và hiệu quả.

Năm 2018 là một năm cả tỉnh Thái Nguyên chung tay đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo CCHC của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã đặt nhiệm vụ cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của năm. Mặc dù năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ được xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh Thái Nguyên, nhưng trong đó cũng còn một vài tiêu chí thành phần ở mức chưa cao. Sau khi có kết quả đánh giá, xếp hạng của năm 2017, tập thể lãnh đạo Sở đã tập trung chỉ đạo và chủ động xây dựng các kế hoạch thuộc lĩnh vực cải cách hành chính, đặc biệt là đưa ra các giải pháp để tiếp tục duy trì những mặt mạnh (những tiêu chí có điểm số cao) và cải thiện những mặt còn hạn chế (những tiêu chí có điểm số trung binh và thấp). Trong năm 2018, chúng tôi đã tập trung, sâu sát và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành cải cách hành chính; liên tục cập nhật và chỉ đạo triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Khoa học và Công nghệ; đồng thời tích cực và chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố thị xã trên địa bàn tỉnh trong việc tham mưu giải quyết các công việc có liên quan, đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ công chức, viên chức của sở, nhất là công chức trực tại Bộ phận một cửa, không ngừng nâng cao chất lượng nền hành chính phục vụ.

Từ đó, kết quả năm 2018 vừa qua đã minh chứng cho sự quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo điều hành, sự đồng sức, đồng lòng của đội ngũ công chức trong toàn Sở. Một số tiêu chí thành phần đã có những bước tiến vượt trội so với năm 2017 để tạo nên bảng thành tích. Chúng tôi đã giữ vững vị trí dẫn đầu trong năm 2018, ví dụ như điểm “chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính” từ xếp thứ 4 năm 2017, lên đứng thứ nhất năm 2018; tiêu chí “Cải cách hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông” từ xếp thứ 4 lên xếp thứ nhất; tiêu chí “đánh giá tác động cải cách hành chính” từ vị trí thứ 9 lên vị trí thứ 6.

Chúng ta đã biết, bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp sở được cấu trúc thành 7 lĩnh vực, 38 tiêu chí và 60 tiêu chí thành phần. Như vậy, muốn làm tốt công tác cải cách hành chính, cần phải có sự  tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt một cách hệ thống, tổng thể và đồng bộ, nếu không thì sẽ rất khó đạt được kết quả tốt.

Thành tích đạt đạt được của chúng tôi là rất đáng trân trọng, tuy nhiên, chúng tôi xác định toàn Sở vẫn cần tiếp tục, nỗ lực hơn để không ngừng nâng cao chất lượng nền hành chính phục vụ cho quản lý Nhà nước và người dân trong thời gian tới.

MC Kim Oanh:Thưa ông Quản Chí Công, chúng tôi được biết nhiều năm liền thành phố Thái Nguyên nằm trong Top các địa phương đứng đầu về công tác CCHC. Xin ông cho biết, công tác CCHC đã được thành phố triển khai như thế nào trong những năm qua?

HĐND tỉnh giám sát tại bộ phận 1 cửa của UBND thành phố Thái Nguyên

Ông Quản Chí Công: Công tác cải cách hành chính của TP. Thái Nguyên trong những năm qua luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức quan tâm, được đơn vị xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố nhận được sự quan trọng đó, trong nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy đã có nhiều văn bản, nghị quyết, HĐND thành phố đã thông qua các Nghị quyết về cải cách hành chính. Trong đó đặc biệt thể hiện bằng việc HĐND thành phố thông qua Đề án cải cách hành chính giai đoạn 2015-2016 và 2016-2021, trong đề án này đã ban hành tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế để thành phố thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Có thể nói, kết quả đạt được trong những năm vừa qua về CCHC, đặc biệt là CCHC ở các cấp chính quyền, ở bộ phận một cửa trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã thu được những kết quả rất đáng trân trọng. Trong việc thực hiện Đề án CCHC chúng ta đã có những giải pháp hết sức tổng thể từ công tác tuyên truyền vận động. Đối với những cán bộ công chức, viên chức tuyên truyền, vận động cho nhân dân thấy được quá trình cải cách hành chính, trong đó có những điểm mà chính quyền hết sức quan tâm.

Thứ nhất, đó là việc công khai về thủ tục hành chính, được công khai hết ở các cơ quan nhà nước để các tổ chức và công dân khi đến làm việc với các tổ chức chính quyền từ một cửa thành phố đến xã phường đều nắm được thủ tục hành chính; Thứ hai, được chỉ đạo hết sức quyết liệt đó là rà soát các thủ tục hành chính thường xuyên để có các điều chỉnh, hướng tới nâng cao các tiêu chí, thành phần trong công tác CCHC. Thứ ba, nội dung được hết sức quan tâm đó là công tác đầu tư về công nghệ, góp phần nâng cao hơn nữa công tác quản lý vê CCHC ở các cấp, các ngành. Thứ tư, là công tác thanh tra, kiểm tra cũng được quan tâm; nội dung này tác động trực tiếp đến nhiệm vụ của công chức, viên chức, nếu chúng ta làm không tốt công tác thanh tra, kiểm tra thì có thể kết quả không đạt được tốt. Cho đến thời điểm này, công tác CCHC thành phố Thái Nguyên bước đầu đã đạt được kết quả đáng mừng, tuy nhiên công tác CCHC ở TPTN cần tiếp tục phải làm tốt hơn nữa.

MC Kim Oanh: Thưa ông Phạm Quốc Chính, năm 2018, các cơ quan, đơn vị đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Đối với tỉnh Thái Nguyên, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 09 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện Đề án này, trong năm vừa qua, Sở KH và CN đã triển khai các hoạt động gì?

Ông Phạm Quốc Chính: Ngay sau khi được phổ biến, quán triệt Đề án số 09-ĐA/TU và kế hoạch số 79-KH/TU ngày 29/01/2018 của Tỉnh ủy để triển khai các Nghị quyết số 18,19-NQ/TW ngày 25/10/2017 NQ HN TƯ 6; tập thể lãnh đạo Sở KH&CN đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận chức năng trong toàn sở xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền 02 đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở Khoa học và Công nghệ. Trong đó, 01 đề án về đổi mới, sắp xếp tổ chức các phòng, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước; 01 đề án thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở KH&CN.

Nói thêm về Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của đơn vị quản lý nhà nước thì Sở KH&CN chúng tôi đã có đề án trình UBND tỉnh trước khi có Nghị quyết Trung ương 6. Khi đó Sở Nội vụ đã tham mưu cho tỉnh xét công nhận sáng kiến của chúng tôi trong công tác cải cách hành chính. Nhưng khi chúng tôi trình UBND tỉnh thì cũng là lúc Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết số 18, 19 và chúng tôi tiếp tục thực hiện quyết liệt trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy của cả đơn vị quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Cho đến nay 01 đề án của chúng tôi đã được phê duyệt là Đề án sát nhập 3 Trung tâm sự nghiệp công lập thành 1 trung tâm. Ngay sau đó chúng tôi đã tổ chức thực hiện ngay đề án này, sau nửa năm các đơn vị sự nghiệp công lập đã ổn định tổ chức bộ máy và ban hành được các quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ và chúng tôi đã thực hiện việc chấm công, trả công theo sức lao động; tránh tình trạng trước đây khi đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương theo biên chế thì nó không có động lực thúc đẩy cán bộ, viên chức làm việc. Bây giờ chúng tôi thực hiện quy chế mới, đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm một phần và trang trải một phần kinh phí. Vì vậy đề án đó rất phù hợp và chúng tôi thực hiện rất đúng quy trình theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Cho đến giờ có thể khẳng định sau khi sát nhập và kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị đã đi vào hoạt động rất tốt và đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn rất tích cực. Tới đây khi Tỉnh ủy, UBND phê duyệt đề án tổ chức bộ máy của đơn vị quản lý nhà nước thì chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh.

MC Kim Oanh: Đối với thành phố Thái Nguyên thì đã triển khai các hoạt động gì để thực hiện Đề án 09 của Tỉnh ủy về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thưa ông Quản Chí Công?

Ông Quản Chí Công: Đối với thành phố Thái Nguyên, ngay từ năm 2017, khi Nghị quyết Trung ương 6 được triển khai thì thành phố cũng đã tổ chức triển khai Nghị quyết, được quán triệt đầy đủ đến các cấp ủy đảng, UBND thành phố, khối đảng, khối dân đặc biệt là các chi đảng bộ xã phường. Việc triển khai Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, các cán bộ đảng viên, công chức, viên chức được thông suốt Nghị quyết.

Sau khi triển khai Nghị quyết đến các cấp ủy, chính quyền, đã tiến hành rà soát bộ máy theo tinh thần của Đề án 09 và tổ chức triển khai thực hiện những việc cần làm ngay như việc kiện toàn công tác cán bộ: Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Thành ủy kiêm nhiệm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm nhiệm là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị. Việc rà soát các đơn vị sự nghiệp theo Đề án 09 cũng được thực hiện đồng bộ. Cho đến thời điểm này 3 đơn vị sự nghiệp của thành phố là Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao thành phố, Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố và Thư viện thành phố đã được sát nhập  Trung tâm Văn hóa và Truyền thông thành phố Thái Nguyên. Ba đơn vị sự nghiệp của kinh tế được sát nhập và đi vào hoạt động thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Thái Nguyên.

Việc rà soát bộ máy của các xã, phường cũng được thành phố hết sức quan tâm như: Đã thực hiện cho kiêm nhiệm chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đối với 01 chức danh ở cấp phường. Đã thực hiện Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đối với 21 đơn vị phường, xã trực thuộc.

Đối với các đơn vị trường học thành phố đã quyết định sát nhập Trường Tiểu học Phúc Hà và Trường THCS Phúc Hà thành Trường Tiểu học & THCS Phúc Hà. Đối với tổ dân phố, đây cũng là nội dung mang lại hiệu quả. Chúng tôi cũng đã thực hiện rà soát sát nhập các tổ dân phố thuộc phường Chùa Hang từ 28 tổ dân phố xuống 11 tổ dân phố. Một số xã, phường đang tiếp tục thực hiện công tác sắp xếpcác đơn vị thực hiện các bước theo quy định để trình UBND tỉnh thẩm định thực hiện sắp xếp tại các đơn vị: phường Hương Sơn, phường Phú Xá, phường Cam Giá và xã Cao Ngạn để từ 117 tổ dân phố xuống 57 tổ dân phố. Còn lại các xã, phường đang xây dựng đề án sát nhập, nhất là bộ máy dưới cơ sở sẽ giảm đi khá nhiều. Cho đến thời điểm này thành phố đang thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo hiệu quả.

MC Kim Oanh: Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2008/9001:2015 có vai trò rất quan trọng trong công tác CCHC. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết, việc chuyển từ chỗ làm việc tự do, thoải mái sang phương pháp làm việc khoa học theo những quy định chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng một số cán bộ, công chức cảm thấy “gò bó” khi thực hiện công việc, nên sẽ né tránh thực hiện. Vậy giải pháp nào khắc phục tình trạng này, để việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO tại các cơ quan hành chính nhà nước đạt hiệu quả cao, thưa ông Phạm Quốc Chính?

Ông Phạm Quốc Chính: Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 là công cụ nhằm chuẩn hóa các quy trìnhgiải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính một cách khoa học, hiệu quả, tạo sự công khai, minh bạch trong các cơ quan quản lý nhà nước, giảm chi phí, phiền hà cho người dân, tổ chức đến giao dịch với cơ quan nhà nước.  

Mục tiêu của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng  theo tiêu chuẩn TCVN ISO là xây dựng và thực hiện hệ thống quy trình xử lý công việc hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật và các nguồn lực hiện có của tổ chức nhằm tạo điều kiện để người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước kiểm soát được quá trình giải quyết công việc trong nội bộ của cơ quan, đơn vị mình và các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan đơn vị mình đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan; thông qua đó từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công cho tổ chức và cá nhân .

Việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến về cơ bản sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập từ trước đến nay như: giải quyết công việc còn chậm, xử lý hồ sơ chậm trễ, thủ tục còn rườm rà, có những bước công việc không cần thiết, tổ chức công việc, quản lý chưa khoa học, trách nhiệm, quyền hạn của từng chức danh chưa rõ ràng. Khắc phục được những tồn tại, hạn chế này sẽ đạt được hiệu quả cao trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của nền hành chính công.

Hiệu quả của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 sẽ là nhằm hướng tới sự thỏa mãn các yêu cầu của tổ chức và công dân có liên quan trong việc quan hệ với chính quyền cũng như hưởng thụ dịch vụ công của Nhà nước. 

Như vậy, có thể nói một cách chung nhất là nhiều quy phạm pháp luật hiện hành mới chỉ quy định chung về trình tự, các bước tiến hành, thời gian thực hiện; còn cụ thể hơn nữa là ai làm, làm như thế nào, trách nhiệm ra sao? thì cần thiết phải áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, nhất là TCVN ISO 9001:2015 trong giai đoạn hiện nay ở từng cơ quan, đơn vị và khi đó tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của cán bộ công chức, viên chức sẽ được nâng cao.

Tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn ISO sẽ cảm thấy gò bó, nếu áp dụng ISO thành thạo và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng dường như chưa đạt được như mong muốn. Vấn đề đặt ra cho các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu là rất lớn. Nếu không có sự quyết tâm, quyết liệt, đồng bộ và trách nhiệm của người đứng đầu thì việc hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO sẽ cũng khó có thể đưa vào thực tiễn và có giá trị. Việc xây dựng xong hệ thống tài liệu, quy trình mới chỉ hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt được “công cụ”. Chỉ khi người sử dụng công cụ vào hỗ trợ điều hành, hỗ trợ tác nghiệp trong các cơ quan hành chính thành thạo thì mới có thể đánh giá, phát huy những điểm phù hợp, chỉ ra những điểm hạn chế để sửa đổi, hoàn thiện, cải tiến hệ thống. Có thể nói, công cụ chỉ là bộ công cụ, còn con người, công chức, viên chức, những người thực hành công vụ mới là quan trọng. Rõ ràng, với cách làm từ trước đến nay và so với bộ công cụ này có những cái cảm thấy gò bó, nếu như tự đội ngũ cán bộ công chức, viên chức vận hành theo đúng bộ công cụ đó sẽ dần dần đi vào nề nếp và tạo ra cảm giác thoải mái trong xử lý công việc đối với tổ chức, bởi vì nó có bộ quy trình sẵn, khi mà cán bộ tự giác áp dụng đúng bộ quy trình đó thì sẽ dần cảm thấy thoải mái và đạt hiệu quả cao hơn.

Trong thời gian vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho UBND tỉnh đề án triển khai toàn bộ ISO 9001:2008 và ISO 9001:2015 đối với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các xã phường. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu để làm tốt hơn công việc này, làm sao nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền hành chính công phục vụ cho các tổ chức, cá nhân.

 

Đoàn kiểm tra công tác CCHC của tỉnh, kiểm tra tại bộ phận 1 cửa của phường Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên

MC Kim Oanh: Thưa ông Quản Chí Công, xin ông cho biết việc triển khai và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố Thái Nguyên trong thời gian qua? Ông đánh giá thế nào về tác động của nó đối với công tác CCHC của địa phương?

Ông Quản Chí Công: Có thể nói việc áp dụng thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 thì Thành ủy, HĐND, UBND TP. Thái Nguyên rất coi trọng. TP.Thái Nguyên đã áp dụng tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2000 từ năm 2008 và TP Thái Nguyên đã chủ động xây dựng, đầu tư, triển khai thực hiện. Cho đến thời điểm này, qua nhiều lần đã được áp dụng các tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2000; TCVN ISO 9001:2008; TCVN ISO 9001:2015. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn này đã được thực hiện ở bộ phận một cửa, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ với 201 thủ tục hành chính và ở các phòng ban.

Đối với UBND 32 xã phường cũng đã công bố và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trong quản lý nhà nước. Đến nay, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng này đã được áp dụng tại tất cả các cấp và các phòng ban của TP. Thái Nguyên.

Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9001 thực sự đã đem lại hiệu quả khả quan, giúp cán bộ, công chức triển khai công việc và quản lý hồ sơ công việc một cách khoa học, rút ngắn thời gian xử lý các văn bản, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, đúng thời gian. Chính vì thế TP.Thái Nguyên đã đầu tư rất sớm để xây dựng; từ đó, ý thức của cán bộ công chức, viên chức khi thực hiện theo tiêu chuẩn đã đi vào nề nếp. Đặc biệt đây còn là một công cụ để các đồng chí lãnh đạo TP.Thái Nguyên và lãnh đạo các phòng, ban có thể quản lý và kiểm soát được việc thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Qua đó đã tích cực nâng cao tính tự giác của cán bộ công chức, viên chức trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính đối với tổ chức và công dân.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO từng bước phải có những điều chỉnh để phù hợp trong thực tiễn nhất là khi các thủ tục hành chính có những thay đổi thì những tiêu chuẩn này cũng phải có những điều chỉnh kịp thời.

Đối với TP.Thái Nguyên, việc áp dụng hệ thống quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001 bước đầu đã góp phần tích cực trong việc cải cách hành chính trong thời gian vừa qua.

MC Kim Oanh: Chúng tôi được biết hiện nay một số địa phương đã triển khai mô hình ISO điện tử rất có hiệu quả. Thưa ông Phạm Quốc Chính, xin ông nói rõ hơn về mô hình ISO điện tử, tác động của mô hình này đối với công tác CCHC. Và tỉnh Thái Nguyên có triển khai mô hình ISO điện tử trong thời gian tới hay không?

Ông Phạm Quốc Chính: ISO điện tử là kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin với xây dựng, áp dụng và công bố hệ thống ISO thủ công (hay gọi là ISO bằng giấy). ISO 9001:2008/9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, nhằm tạo ra phương pháp làm việc khoa học, mang tính hệ thống, tăng cường tính giám sát, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp. ISO điện tử là tin học hóa hoàn toàn các quy trình đó và văn bản ISO áp dụng trong đơn vị. Có thể nói nó là chìa khóa giúp đơn vị duy trì và vận hành có hiệu quả hệ thống văn bản ISO cồng kềnh.

Hệ thống quản lý theo ISO điện tử, quy trình công việc được tự động hóa, thống nhất, chuẩn hóa, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của những người tham gia vào quy trình. Đặc biệt, người dân có thể tham gia trong quá trình theo dõi để xử lý công việc của cá nhân mình. Người dân có thể kiểm soát chất lượng và kết quả công việc chi tiết đến từng chuyên viên.

Ưu điểm của hình thức này là ISO được xây dựng mặc định trong hệ thống bao gồm các quy trình công việc, nội dung thực hiện, thời gian quy định cho từng công đoạn; biểu mẫu được kết xuất tự động mang tính thống nhất, chuẩn hóa, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của những người (tức là đội ngũ cán bộ, công chức) tham gia vào quy trình. Tiến trình công việc sẽ tự động được ghi nhận và kết xuất ra dưới hình thức biểu mẫu hoặc bảng tổng hợp. Đối với ISO điện tử, ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ vị trí nào, khi được phân quyền là có thể tra cứu hoặc tổng hợp thông tin chi tiết nhiều chiều, nhiều dữ kiện khác nhau. Điều đó giúp chuyên viên nắm được khối lượng và thời gian thực hiện công việc, lãnh đạo các cấp nắm được kết quả thực hiện chi tiết đến từng chuyên viên, từng bộ phận, từng công đoạn, từng phòng ban và cả bộ máy thuộc quyền quản lý của mình.

ISO điện tử rất dễ dàng cập nhật những thay đổi về quy trình và biểu mẫu nhằm đáp ứng biến động thực tế. Trong thực tiễn, khi có thay đổi, việc phổ cập quy trình mới, biểu mẫu mới được thực hiện hoàn toàn tự động. Việc công bố thông tin cho người dân trở nên dễ dàng và hoàn toàn tự động. Người dân có thể tham gia kiểm soát chất lượng và kết quả công việc chi tiết đến từng chuyên viên. Để triển khai ISO điện tử, cần nhận thức rằng, ISO thủ công hay ISO điện tử thì con người vẫn là thành phần quyết định chính để hệ thống vận hành theo ISO; điều này đòi hỏi phải có đạo đức công vụ và sự tận tâm phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức dù nó là ISO điện tử hay ISO thủ công.

Đối với việc áp dụng tại tỉnh Thái Nguyên, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch cho triển khai xây dựng và áp dụng thí điểm ISO điện tử tại một số sở. Tuy nhiên, nguồn kinh phí còn đang hạn hẹp nên chúng tôi đang triển khai nhưng mức độ còn chậm. Trong năm 2019, Sở KH&CN đang dự kiến bố trí được một phần kinh phí từ nguồn sự nghiệp của sở để áp dụng ISO điện tử cho một số sở, ngành thí điểm.  Khi ngành có nguồn kinh phí sẽ triển khai rộng rãi đến các sở, ngành và các huyện, tiến tới sẽ triển khai đến tại xã, phương. Tôi cũng hy vọng việc áp dụng ISO điện tử sẽ được áp dụng trong khối cơ quan hành chính từ tỉnh đến huyện, đến xã. Lúc đó, sẽ giải quyết dứt điểm các thủ tục hành chính còn vướng mắc. Đây cũng là một hoạt động đóng góp tích cực vào nền hành chính hiện đại, cũng như thực hiện chủ trương chính phủ điện tử trong thời gian tới.

MC Kim Oanh: Hiện đại hóa hành chính nhà nước là một khâu quan trọng trong giai đoạn đầu của tiến trình CCHC, góp phần đẩy nhanh quá trình giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Vấn đề này đã được thành phố TN triển khai như thế nào trong thời gian qua, thưa ông Quản Chí Công?  Một nội dung quan trọng của hiện đại hóa hành chính là triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Xin ông cho biết thêm về thực trạng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại thành phố Thái Nguyên hiện nay ra sao?

Ông Quản Chí Công: Hiện đại hóa hành chính nhà nước là khâu quan trọng trong cả giai đoạn cải cách thủ tục hành chính. Thành phố Thái Nguyên hết sức quan tâm đến nội dung này, có thể nói chúng tôi rất tự hào là thành phố Thái Nguyên đã tiên phong trong nhiệm vụ này. Thành ủy và HĐND đã chỉ đạo rất rõ việc này, ngân sách thành phố đã đầu tư để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Cho đến thời điểm này, nguồn kinh phí dự kiến để thực hiện cải cách hành chính theo đề án của thành phố khoảng 18 tỷ, đã thực hiện trong thời điểm này khoảng 13 tỷ. Vừa qua, thành phố đã tiếp tục  triển khai để thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 ở thành phố Thái Nguyên. Hiện UBND tỉnh Thái Nguyên đang giao cho Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đây là việc hết sức quan trọng để phục vụ cho các tổ chức và công dân. Đối với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thì chúng tôi nhận thấy đây là việc có rất nhiều thuận lợi, đem lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất đó là phục phục vụ nhanh nhất cho tổ chức và công dân. Cái thứ hai đó là khi triển khai chính quyền điện tử, chính phủ điện tử thì mức độ những vấn đề tiêu cực  trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính đối với tổ chức và công dân sẽ giảm và hạn chế tối đa tiêu cực.

Cho đến thời điểm này, tổ chức và công dân ở TPTN có thể thực hiện giải quyết trực tuyến thủ tục hành chính mức độ 3 đối với 158 thủ tục hoàn toàn qua hệ thống điện tử và chỉ đến nhận kết quả ở bộ phận một cửa. Đối với mức độ 4, hiện thành phố có 13 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Thành phố Thái Nguyên có sự phối hợp rất chặt chẽ với Bưu điện để triển khai thực hiện, đến nay đã có 34 thủ tục hành chính thực hiện qua Bưu điện, có thể nói đây là những thủ tục gần 4, người dân hoàn toàn ở nhà để thực hiện. Đây là việc mà cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố đang triển khai đến các xã, phường. Có thể thấy rằng, trong quá trình thực tiễn triển khai và thực hiện, thành phố Thái Nguyên đã đáp ứng được công việc, tuy nhiên cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để làm sao để có chính quyền điện tử thì phải có công dân điện tử. Hiện giờ chúng tôi thực hiện 158 thủ tục hành chính mức độ 3, 13 thủ tục hành chính mức độ 4 nhưng doanh nghiệp, người dân tham gia còn hạn chế. Rõ ràng là, để thực hiện triệt để mức độ 4 thật sự tốt thì bên cạnh việc cải cách, nâng cao hạ tầng kỹ thuật, các quy trình ISO điện tử thì việc cập nhật các hồ sơ gốc của các luật thì lúc đó chúng ta mới thực hiện triệt để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở các cấp.

Kiểm tra việc niêm yết thủ tục hành chính tại bộ phận 1 cửa của UBND thành phố Thái Nguyên

MC Kim Oanh: Dù đã đạt được kết quả đáng kể song chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận lại rằng, công tác CCHC vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa. Trong thời gian tới, Sở KH &CN sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp gì để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, thưa ông Chính?

Ông Phạm Quốc Chính: Mặc dù chúng tôi đã đạt được thành tích vượt trội trong 2 năm 2017 và 2018, song tập thể lãnh đạo Sở KH&CN nhận thấy vẫn còn có hạn chế trong thực hiện cải cách hành chính, đó là tiêu chí cải cách tài chính công chưa đạt kết quả cao, vẫn phải tiếp tục cải cách mạnh thể chế, phải không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức... Sau khi có kết quả đánh giá, xếp hạng của năm 2018, tập thể lãnh đạo Sở KH&CN đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động xây dựng các kế hoạch thuộc lĩnh vực cải cách hành chính, đặc biệt là đưa ra các giải pháp để tiếp tục duy trì những mặt mạnh là những chỉ số thành phần có điểm số cao và cải thiện những mặt còn hạn chế. Trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chúng tôi xác định phải luôn sát sao, bao quát, thường xuyên cập nhật, kiểm đếm công việc về chất lượng và tiến độ thực hiện. Chúng tôi xác định điều quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính. Nếu người đứng đầu quyết liệt, sát sao, chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên thì công tác cải cách hành chính sẽ đi vào nề nếp. Sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của tập thể lãnh đạo cũng là một trong những động lực để giúp chúng tôi làm tốt công tác cải cách hành chính trong những năm tới.

Vâng! Xin trân trọng cảm ơn hai vị khách mời đã có những trao đổi rất thẳng thắn về công tác CCHC của đơn vị mình.

Thưa quý vị và các bạn!

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, mức sống và nhận thức của người dân cũng ngày càng được nâng cao. Người dân càng đòi hỏi và mong muốn được cung cấp các dịch vụ công đầy đủ và có chất lượng nhất. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan hành chính nhà nước là phải không ngừng cải cách, để phục vụ tốt nhất nhu cầu của công dân và xã hội.

Một lần nữa trân trọng cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia chương trình.

Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi!

 

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0